Hotline: 0908 287 626

Những thông số và đặc tính kỹ thuật bạn cần biết trước khi mua loa Sub

20/05/2021, 10:57

Việc chơi loa Sub (subwoofer) trong hệ thống âm thanh đang ngày càng thịnh hành với nhu cầu giải trí đa dạng từ xem phim surround, karaoke và nghe nhạc. Tầm quan trọng của chiếc loa sub cũng không thua kém gì đôi loa chính trong hệ thống, vì thế chọn lựa đúng loa sub sẽ giúp nâng tầm chất lượng âm thanh lên cực kỳ đáng kể.

Tuy nhiên có quá nhiều những thông số kỹ thuật, các không biết phải lựa chọn từ đâu thì hãy để Nguyễn Audio giúp bạn nhé. Cũng lưu ý giúp mình là các subwoofer không dây đi kèm với soundbar là ngoại lệ nhé, không thể nâng cấp được nên phải sử dụng chung bộ.

1/ Sub điện vs Sub hơi 

Để đơn giản Sub điện (hay còn gọi là Active Subwoofer/ Powered Subwoofer) có một ampli tích hợp bên trong. Còn Sub hơi (Passive Subwoofer) thì không có ampli bên trong cần sử dụng ampli bên ngoài. 

  • Với đa số người dùng sử dụng để nghe nhạc, xem phim, Karaoke thì nên chọn sử dụng Sub điện để dễ cài đặt và tiện lợi. Ngoài ampli thì Sub điện còn có những mạch điều khiển như âm lượng, phân tầng, pha để dễ dàng lắp đặt và điều chỉnh theo từng phòng hay từng đôi loa chính khác nhau. 
  • Sub hơi là sự lựa chọn truyền thống trong âm thanh chuyên nghiệp và sân khấu (Pro Audio/ Live Sound) vì gọn nhẹ dễ lắp đặt và khả năng chịu tải đến hàng chục ngàn Watt. Cảm giác ép phê của những buổi trình diễn đến từ nhiều chiếc sub hơi được lắp đặt trên sân khấu.

 

2/ Chọn kích thước của củ loa bass (woofer)

Để chọn lựa kích thước của củ loa bass (woofer) của sub, thì các bạn cần quan tâm đến hai yếu tố kích thước củ loa bass của đôi loa chính và kích thước của căn phòng. Ở nước ngoài họ hay đo củ loa bằng inch (8,10,12,15,18,21), còn Việt Nam chúng ta hay gọi theo cm tương ứng (20,25,30,40,45,50)

Thông thường thì chúng ta chỉ quan tâm đến phòng ví dụ như loa sub 20 thì phòng 15m2, sub 25 phòng 25m2, 30 phòng 30m2… tuy nhiên nếu chọn loa sub kích thước quá lớn so với củ loa của đôi loa chính thì chất âm chắc chắn cũng khó hài hòa giữa sub và loa chính.
Ví dụ đôi loa chính có củ loa 13,15cm thì các bạn chỉ nên chọn sub 20,25; loa chính 20,25 thì chọn sub 30,40; còn nếu loa chính đã có kích thước lớn 30,40 thì các bạn có thể chọn thoải mái  

 

3/ Chọn sub thùng loa kín, thùng loa hở hay màng rung thụ động:

Đây là một yếu tố rất quan trọng đến chất lượng âm thanh mặc dù được khá ít người dùng chú tâm đến. Hiện tại có ba kiểu dáng thiết kế thùng loa đó là thùng loa kín (sealed), thùng loa hở (ported) và sử dụng màng rung thụ động (passive radiator). 

  • Thùng loa hở (Ported/Bass-Reflex): Đây là giải pháp được sử dụng rất nhiều trên những mẫu subwoofer phổ thông, bởi vì giải pháp này mang đến lượng dải trầm nhiều với âm lượng lớn mà không cần công suất của ampli lớn. Tuy nhiên giải pháp này có nhược điểm là độ chi tiết và tốc độ của dải trầm không được chính xác như các giải pháp còn lại.
  • Thùng loa kín (Sealed): Đây được xem là thiết kế thùng loa sub khó nhất để chế tạo, tuy nhiên có được thành quả đó là chất lượng âm thanh chính xác và chi tiết nhất. Thùng loa kín là lựa chọn số 1 khi nghe nhạc, tuy nhiên thiết kế này đòi hỏi một mạch công suất lớn để có được chất âm mong muốn 
  • Màng rung thụ động (Passive Radiator): đây là giải pháp được mong muốn có thể kết hợp được cả ưu nhược điểm của cả hai thiết kế trên. Tuy nhiên thực tế thì màng rung thụ động mang đến một vấn đề cực kỳ khó giải quyết đó là vấn đề về pha của cả hai màng loa vì thế chất âm thường không được tốt như thùng loa kín.

 

4/ Front-Firing vs Down-Firing subwoofer

  • Down-Firing Subwoofer là thiết kế mặt loa bass đặt ở dưới thùng loa và âm thanh dải trầm sẽ đánh trực tiếp và cộng hưởng với sàn nhà để tạo nên dải trầm sâu nhất và rất lợi về công suất. Tuy nhiên thiết kế down-firing có một nhược điểm đó là khó để chọn được vị trí có chất âm chi tiết nhất. Thông thường down-firing subwoofer chỉ được dùng trong dàn xem phim vì có dải trầm dày và sâu nhưng không chi tiết.
  • Front-Firing Subwoofer là thiết kế mặt loa bass đặt ở mặt trước của thùng loa, thông thường là hướng đến vị trí người nghe. Thiết kế này có chất lượng âm thanh chi tiết, chính xác và tốc độ tốt hơn nhiều so với các mẫu down-firing. Vì thế đa số các mẫu subwoofer high-end đều sử dụng thiết kế 

 

5/ Có nên quan tâm đến Watt hay những thông số khác không:

Trong âm thanh nếu có một thông số đọc để biết có chất lượng âm thanh tốt hay không thì may mắn quá, thế nhưng đời không như là mơ.

Có rất nhiều bạn quan tâm đến Watt khi chọn mua loa nói chung chứ không chỉ riêng gì subwoofer. Chính vì lý do ấy mà rất nhiều hãng âm thanh hay sử dụng thông số công suất định (peak power) gấp đôi so với công suất liên tục (RMS), ngoài ra cách đo của mỗi hãng một khác nhau.
Vì thế nếu có công suất lớn cũng tốt, nhưng cũng không nên quá quan trọng. 

Có hai thông số khác ngoài Watt mà các bạn nên chú tâm đó là độ sâu của dải trầm và hành trình tuyến tính của củ loa.

  • Độ sâu của dải trầm là tần số đáp ứng thấp nhất trên dải tần đáp tuyến của Sub, thông thường với các sub sẽ nằm trong khoảng 30Hz và nếu sub High-End thì có thể xuống đến tầm 20Hz.
  • Ngoài ra, hành trình tuyến tính tốt nhất là nên có thông số cụ thể và càng xa càng tốt trên 3,4cm là ổn. Một số hãng không công bố hành trình tuyến tính trên subwoofer nhưng ghi Long-excursion subwoofer thì các bạn cũng có thể hiểu tương tự. 

 

6/ Cụm điều khiển trên sub 

Ngoài hai cụm điều khiển (volume/gain) và crossover thì tốt nhất cũng nên có một cụm để điều chỉnh phase (pha) của subwoofer. Với những sub rẻ tiền thì phase chỉ có một công tắc thì đây là điều không nên lựa chọn bởi vì việc điều chỉnh phase trong âm thanh là cực kỳ quan trọng.

Nếu tốt nhất thì các bạn nên chọn các subwoofer có cả line-level input RCA (bông sen) và cổng dây loa vào (speaker input) có nhiều hơn thì tốt dễ phối ghép (nhiều trường hợp subwoofer chỉ có một cổng LFE ( Low Frequency Effects))

 

7/ Các tính năng đi kèm 

Tình năng mình thích nhất trên các subwoofer là khả năng tự động cân chỉnh phòng. Với các subwoofer cao cấp người dùng sẽ được tặng kèm một microphone thu âm kết hợp với bộ xử lý kỹ thuật số ở trên loa. Khi cần, loa sub sẽ phát được những dải tần số để kiểm tra, sau đó đo âm thanh phản hồi tại vị trí nghe. Điều này sẽ giúp cho loa sub sẽ tự động điều chỉnh chất lượng âm thanh tốt nhất trong phòng. 

Khả năng kết nối không dây, cũng là một ưu điểm lớn đến với nhiều loa sub sẽ giúp cho vị trí đặt loa được thuận tiện, không bị giới hạn bởi dây dẫn. Nhiều thương hiệu giới thiệu các adapter truyền tải không dây đến subwoofer truyền thống 

Một số loa subwoofer còn có khả năng kết nối không dây và multiroom với các thiết bị trong cùng hệ thống mạng thì đây cũng là một khả năng mới tiện lợi dành cho người dùng. 


 
Ý kiến của bạn