Audiophile và Subwoofer thường là hai cụm từ không đi chung với nhau. Bởi vì đa số audiophile vẫn chưa hiểu hết về subwoofer, trong khi đó rất nhiều những subwoofer lại được giới thiệu hướng đến thị trường giải trí gia đình, xem phim hay karaoke.
Đây là điểm thiếu hụt khá lớn dành cho audiophile, khi dải trầm của những dàn âm thanh stereo khó có thể cạnh tranh với những dàn xem phim và cả âm thanh trên xe hơi. Nếu các bạn đang sử dụng những đôi loa bookshelf thì rất khó để có được một dải trầm sâu và chắc chắn. Thậm chí đối với những đôi loa cột thì cũng chưa chắc có một dải trầm hoàn hảo và tối ưu nhất của loa. Vì khi có được vị trí âm hình chính xác nhất thì dải trầm thường không được mượt mà, đều, các bạn cũng dùng micro để thu dải trầm tại vị trí ngồi nghe hiện tại cũng sẽ thấy thường không đều.
Việc thêm subwoofer trong một dàn âm thanh không chỉ giúp hoàn thiện dải trầm, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến âm trường. Khi được setup phù hợp loa sub sẽ mở rộng không gian, độ sâu âm trường cũng như độ dày, đầy đặn của trung âm. Đó cũng là lý do mà tại rất nhiều hệ thống âm thanh High-End và Ultra High-End được các hãng giới thiệu sử dụng nhiều subwoofer bên cạnh đôi loa chính mà vẫn có một chất âm chính xác và cực kỳ chân thật.
Những người chơi hệ âm thanh gia đình có thể đơn giản hơn nhiều bởi vì tất cả những A/V Receiver hay Surround Processor từ năm 1996 đều được tích hợp sẵn một mạch crossover có thể tách dải bass khỏi đôi loa chính và tách dải mid/treble khỏi loa sub. Chỉ cần cắm đôi loa chính và loa sub vào là có thể hoạt động tốt, hài hòa giữa âm thanh của cả hai. Đặc biệt với những Receiver/ Processor hiện đại có tích hợp khả năng cân chỉnh phòng.
Các hệ thống âm thanh stereo có khá ít sản phẩm preamp hay amply tích hợp có tính năng subwoofer crossover output. Còn mẫu active subwoofer crossover cao cấp dành cho audiophile hiện tại chắc chỉ có JL Audio CR-1.
Trong những dàn âm thanh stereo thì để đơn giản các bạn có thể để cho đôi loa chính của bạn phát toàn dải như bình thường và dùng mạch crossover tích hợp sẵn trên subwoofer để có thể loại bỏ được dải trung/cao trên loa sub.
Tuy nhiên các bạn cần phải đảm bảo đủ được ba yếu tố sau để có được chất âm tốt nhất
Có rất nhiều audiophile chọn đặt vị trí khi đặt một loa sub trong dàn âm thanh đó là sát ngay phía tường sau thùng loa, ở chính giữa hai loa trái phải. Hay với những người chơi hai loa sub đặt ngay sát cạnh đôi loa chính hy vọng sub sẽ hòa hợp tốt hơn với đôi loa chính. Tuy nhiên những vị trí đặt loa này thường làm cho chất âm trở nên rời rạc và tệ hơn, bởi vì các cách đặt loa này sẽ tạo nên những đỉnh (peak) hay điểm hụt (dip) ở dải trầm. Chiếc subwoofer cần được đặt ở vị trí có dải trầm mượt mà và đều nhất, chỉ lúc này thì âm thanh của subwoofer và loa chính mới có thể hòa làm một.
Nếu chỉ có một loa sub thì các bạn thể thử theo cách dò theo âm thanh subwoofer tại vị trí nghe. Đặt loa sub ngay vị trí ghế nghe nhạc của bạn sau đó mở một giai điệu có dải bass mượt mà, đầy đặn hoặc ca khúc nào nhiều bass mà bạn thích. Rồi bắt đầu cúi người xuống thấp ngang tầm với loa sub và dò xung quanh trên sàn nghe đầu tiên dọc theo bờ tường và sau đó là xung quanh không gian phòng nghe để tìm vị trí mà những nốt trầm cân bằng và mượt mà nhất. Đặt loa sub ngay vị trí đó.
Nếu các bạn có hai chiếc loa sub thì đặt hai loa sub ở ngay hai góc ngoài cùng của tường phía sau loa.
Đầu tiên các bạn cần tìm dải tần đáp ứng (Hz) của mẫu loa chính (lưu ý là dải tần đáp ứng ở -3dB chứ không phải số ở -10dB, nếu nhà sản xuất chỉ ghi một số thì chọn số đó). Xem thử đôi loa của mình xuống thấp nhất bao nhiêu Hz.
Chỉnh crossover frequency ngay tại tần số thấp nhất của loa chính, sau đó nghe lại giai điệu có dải bass mượt mà, đầy đặn mà các bạn dùng để thử vị trí subwoofer. Nếu nghe thấy dải trầm khá cân bằng vừa đủ thì chúc mừng bạn. Nếu cảm thấy vẫn còn hơi hụt thì có thể nâng tần số phân tần lên khoảng 10Hz. Nếu dải trầm cảm giác lùng bùng thì các bạn có thể giảm tần số phân tầng xuống khoảng 10Hz. Tiếp tục chỉnh đến khi nào các bạn cảm thấy vừa lòng.
Hai phương thức trên sẽ phù hợp với đa số subwoofer dù các bạn kết nối thông qua cổng LFE, line-level RCA/XLR từ Preamp hay cổng dây loa từ power amp. Một số subwoofer có một cổng speaker output ra loa chính với High-Pass filter, tuy nhiên cách này thường làm giảm chất lượng âm thanh chất lượng âm thanh trên đôi loa chính.
Tính năng tự động cân chỉnh thường chỉ xuất hiện trên một vài subwoofer cao cấp sẽ giúp cho người dùng bớt đau đầu về việc lắp đặt, đặc biệt là vị trí đặt loa sub thế nào cho tối ưu. Ở các subwoofer cao cấp các bạn thường sẽ được tặng kèm một microphone và một cổng mic input, người dùng chỉ cần đặc microphone tại vị trí ngồi nghe và để loa sub bắt đầu quét dải tần. Dựa trên phản hồi sóng âm tại vị trí ngồi nghe, các subwoofer này sẽ sử dụng một bộ DSP để có thể điều chỉnh tần số và pha âm thanh phù hợp nhất.
Để chọn được một loa subwoofer phù hợp cho đôi loa và không gian của bạn không phải là điều đơn giản. Thông thường lời khuyên của chúng tối là hãy chọn subwoofer từ những hãng chuyên làm subwoofer chứ không phải từ các hãng loa nếu các bạn muốn chất lượng âm thanh đỉnh nhất. Nổi tiếng trong giới subwoofer high-end là JL Audio sau đó đến các thương hiệu khác như REL hay SVS. Ngoài ra cũng có một thương hiệu trẻ tại Việt Nam đó là P'Sound với những mẫu Subwoofer cũng cực kỳ ấn tượng cho Pro audio và Karaoke.
Đối với những dàn HiFi thi các bạn nên chọn loa sub cùng thương hiệu của loa chính để có được màu âm hài hòa hơn cũng như có chung kiểu dáng thiết kế.
Tiếp theo là kích thước của củ loa chính cũng ảnh hưởng đến việc chọn subwoofer. Nếu đôi loa của bạn chỉ có kích thước củ woofer bass khoảng 5,6 inch thì hãy chọn một subwoofer có củ bass khoảng 8 đến 10 inch. Nếu bass trên loa đã khoảng 10 inch thì các bạn có thể chọn subwoofer có kích thước 12, 13 inch…
Ngoài ra kích thước phòng ví dụ như nếu phòng nghe khoảng 35m2 có thể chọn subwoofer 12 inch, 25m2 subwoofer 10 inch… Tuy nhiên các bạn lưu ý đấy chỉ là tương đối bởi vì phòng nghe cũng có nhiều yếu tố âm học khác như nội thất
Ported hay Sealed subwoofer cũng không quá quan trọng tuy nhiên đừng nên chọn những subwoofer sử dụng màng rung thụ động (passive radiator)